Theo Báo cáo “Ô nhiễm không khí và Sức khỏe trẻ em: Quy định về không khí sạch (Air pollution and Child health: Prescribing clean air) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí đang ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia WHO cho thấy, hiện đang có khoảng 93% trẻ em dưới 15 tuổi phơi nhiễm với bụi siêu vi PM2.5 cao hơn hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO.
Trong đó, có 630 triệu trẻ em dưới 05 tuổi và 1,8 tỷ trẻ em dưới 15 tuổi; 98% trẻ em dưới 05 tuổi ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đang tiếp xúc với bụi siêu vi PM2.5 so với hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO (tỷ lệ này ở các quốc gia thu nhập cao là 52%); hơn 40% dân số thế giới, bao gồm 01 tỷ trẻ em dưới 15 tuổi, phơi nhiễm với ô nhiễm không khí trong nhà ở mức độ cao; 600.000 ca tử vong ở trẻ em dưới 15 tuổi do ô nhiễm không khí mỗi năm (số liệu thống kê năm 2016)…
Và ô nhiễm không khí gây ra hơn 50% nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, đồng thời, chiếm gần 1/10 số ca tử vong ở trẻ em dưới 05 tuổi tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Riêng tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm không khí mang đến rất nhiều rủi ro về bệnh tật, tử vong. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm không khí, gây thiệt hại cả về người cả về kinh tế, bởi theo tính toán của các chuyên gia thì mất mát do ô nhiễm không khí gây ra tương đương với 5 – 7% GDP cả nước (số liệu thống kê năm 2013).
Một loạt các số liệu mà WHO đưa ra gây lo ngại cho thế giới, nguyên nhân do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến phát triển thần kinh và khả năng nhận thức, làm hỏng chức năng phổi, gây ra hen suyễn, ung thư, tim mạch… ở trẻ em do trẻ thở nhanh hơn người lớn nên hấp thu nhiều chất gây ô nhiễm hơn, ngay cả ở mức độ phơi nhiễm thấp.
Với người trưởng thành, ô nhiễm không khí có thể dẫn đến bệnh đau tim, đột quỵ, viêm động mạch cholesterol cao, tiểu đường… Với phụ nữ mang thai, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ sinh non hoặc trẻ sinh ra nhẹ cân, chậm phát triển.
Các nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí có thể kể đến là bụi từ các công trường xây dựng (chứa nhiều hóa chất độc hại như bụi xi măng, kim loại nặng, sợi tổng hợp, mùn cưa, amiăng gây ung thư phổi, silica gây bệnh phổi mãn tính…); khói từ xe hơi, các loại máy móc công nghiệp, máy ủi, máy phát điện…; randon – một loại khí phóng xạ, là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi (chỉ đứng sau thuốc lá) thoát ra từ đất, có nhiều tại các công trường xây dựng; Aspergillus – một loại nấm có trong đất, phát tán trong quá trình xây dựng, cải tạo, dỡ bỏ công trình xây dựng gây ra các vấn đề hô hấp, dị ứng; chuột, gián và những loài trung gian lây lan bệnh truyền nhiễm như dị ứng, hen suyễn; hóa chất, kim loại nặng hấp thu vào đất, nước gây ô nhiễm và các vấn đề sức khỏe…
Để giảm ô nhiễm không khí, WHO khuyến cáo các quốc gia trên thế giới thực hiện các chính sách giảm ô nhiễm không khí như tuân thủ hướng dẫn về chất lượng không khí toàn cầu của WHO bằng việc áp dụng một số biện pháp như giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong hỗn hợp năng lượng toàn cầu; đầu tư cải thiện hiệu quả năng lượng và tạo đều kiện phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; quản lý chất thải tốt hơn để giảm ô nhiễm không khí cộng đồng; nghiên cứu sử dụng công nghệ, nhiên liệu sạch…; ngành y tế các quốc gia đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho người dân về bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm không khí, nâng cao nguồn lực chuyên gia y tế…; từng bước giảm thiểu sự tiếp xúc của trẻ em với ô nhiễm không khí bằng việc di chuyển trường học, khu vui chơi cách xa đường xá đông đúc, nhà máy, nhà máy điện…
Trong gia đình, nếu sống trong đô thị, gần đường xá, công trường xây dựng… cần đóng cửa để hạn chế bụi bay vào nhà; đảm bảo bộ lọc điều hòa được vệ sinh điều đặn vì đây là một trong những nơi phát tán bụi, nấm mốc; dùng máy hút bụi thường xuyên, hạn chế đồ vật có thể tích bụi vào phòng ngủ, đặc biệt là phòng ngủ của trẻ em như thảm, rèm, đồ chơi có lông, gối…; vệ sinh nhà cửa, khăn trải bàn, ga gối thường xuyên.
Nguồn: http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/tin-tuc/o-nhiem-khong-khi-va-suc-khoe-cua-93-tre-em-tren-the-gioi-20255
Thông tin liên hệ:
- Hotline: 024 6276 8531
- Facebook: https://www.facebook.com/ekodaivn
- Email: ekodai.tech@gmail.com
- Website: https://ekodai.com/
- Địa chỉ: Khu Đô Thị Nam La Khê, P. La Khê, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội.